Hội chợ, triển lãm thương mại là gì? Tổ chức hội chợ, triển lãm có cần phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền?

Thương nhân muốn tổ chức trưng bày hàng hóa tại hội chợ, triển lãm thì có cần phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không? Thủ tục đăng ký như thế nào theo quy định của pháp luật?

Hội chợ, triển lãm thương mại là gì?

Theo quy định tại Điều 129 Luật Thương mại 2005 về khái niệm của hội chợ, triển lãm thương mại cụ thể như sau:

Hội chợ, triển lãm thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện tập trung trong một thời gian và tại một địa điểm nhất định để thương nhân trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng dịch vụ.

Những đối tượng nào có quyền tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại?

Theo quy định tại Điều 131 Luật Thương mại 2005 về quyền tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại cụ thể như sau:

– Thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền trực tiếp tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại về hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại thực hiện.

– Văn phòng đại diện của thương nhân không được trực tiếp tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại. Trong trường hợp được thương nhân ủy quyền, Văn phòng đại diện có quyền ký hợp đồng với thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại để tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại cho thương nhân mà mình đại diện.

– Thương nhân nước ngoài có quyền trực tiếp tham gia hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại Việt Nam thay mặt mình tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam. Trong trường hợp muốn tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam thì thương nhân nước ngoài phải thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại Việt Nam thực hiện.

Tổ chức trưng bày hàng hóa tại hội chợ, triển lãm có cần phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền? Thủ tục đăng ký như thế nào?

Theo quy định tại Điều 132 Luật thương mại 2005 về Tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam cụ thể như sau:

– Hội chợ, triển lãm thương mại tổ chức tại Việt Nam phải được đăng ký và phải được xác nhận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về thương mại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại.

– Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục, nội dung đăng ký và xác nhận việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này”.

Từ căn cứ tại quy định trên, thương nhân tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại phải đăng ký và phải được xác nhận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về thương mại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại.

Thủ tục đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại được quy định tại Điều 29 Nghị định 81/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 21 Nghị định 17/2020/NĐ-CP cụ thể như sau:

– Thương nhân tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam (không bao gồm các hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định) hoặc tổ chức cho thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài (không bao gồm các hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định) phải thực hiện thủ tục hành chính đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

– Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều này bao gồm:

+ Sở Công Thương nơi tổ chức đối với hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam;

+ Bộ Công Thương đối với hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài.

– Thương nhân được lựa chọn một trong các cách thức đăng ký sau:

+ Nộp 01 hồ sơ đăng ký qua đường bưu điện đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

+ Nộp 01 hồ sơ đăng ký trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

+ Sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp.

– Thời hạn đăng ký (căn cứ theo ngày nhận ghi trên vận đơn bưu điện hoặc các hình thức có giá trị tương đương trong trường hợp gửi qua đường bưu điện, căn cứ theo ngày ghi trên giấy tiếp nhận hồ sơ trong trường hợp nộp trực tiếp hoặc căn cứ theo ngày ghi nhận trên hệ thống trong trường hợp nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến):

+ Tối đa (sớm nhất) 365 ngày và tối thiểu (chậm nhất) 30 ngày trước ngày khai mạc đối với hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam;

+ Tối đa (sớm nhất) 365 ngày và tối thiểu (chậm nhất) 45 ngày trước ngày khai mạc đối với hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài.

– Hồ sơ đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại bao gồm:

+ 01 Đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại theo Mẫu số 10 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

+ 01 Bản sao không cần chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định thành lập hoặc các quyết định khác có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật;

– Nội dung đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại, bao gồm:

+ Tên, địa chỉ của thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại;

+ Tên, chủ đề hội chợ, triển lãm thương mại (nếu có);

+ Thời gian, địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại;

+ Quy mô dự kiến của hội chợ, triển lãm thương mại;

+ Việc tổ chức trưng bày hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; việc tổ chức cấp giải thưởng, chứng nhận chất lượng, danh hiệu của hàng hóa, dịch vụ, chứng nhận uy tín, danh hiệu của thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân tham gia hội chợ, triển lãm thương mại; việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại với danh nghĩa của tỉnh, thành phố.

– Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trả lời xác nhận hoặc không xác nhận bằng văn bản việc đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ. Trong trường hợp không xác nhận thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải nêu rõ lý do. Nội dung xác nhận hoặc không xác nhận thực hiện theo Mẫu số 11 hoặc Mẫu số 12 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

– Trường hợp có từ hai thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại trở lên đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trùng tên, chủ đề, thời gian, địa bàn, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tổ chức hiệp thương để lựa chọn thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại đó.

– Trường hợp việc hiệp thương quy định tại Khoản 8 Điều này không đạt kết quả, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định xác nhận đăng ký cho một thương nhân hoặc tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại căn cứ vào các cơ sở sau đây:

+ Kết quả tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tương tự đã thực hiện;

+ Năng lực tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại;

+ Kinh nghiệm tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại cùng tên, cùng chủ đề hoặc các hội chợ, triển lãm thương mại tương tự;

+ Đánh giá của các hiệp hội ngành hàng liên quan.

– Trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc hội chợ, triển lãm thương mại, thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại phải có văn bản theo Mẫu số 14 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về kết quả việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại theo những nội dung đã đăng ký và được xác nhận.

– Hội chợ, triển lãm thương mại tổ chức tại Việt Nam phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Hàng hóa tại hội chợ, triển lãm thương mại phải được trưng bày, giới thiệu trong các gian hàng tiêu chuẩn (kích thước 3mx3m) hoặc khu vực tương đương với nhiều gian hàng tiêu chuẩn;

+ Có đầy đủ các dịch vụ phục vụ gồm: Điện, nước, an ninh, vệ sinh.

– Việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam với danh nghĩa của tỉnh, thành phố phải đạt được các tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 11 Điều này và các tiêu chuẩn theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hàng năm (trước ngày 01 tháng 10) công bố Danh mục địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại và lĩnh vực ưu tiên được tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh trong năm sau.

– Thương nhân tự tổ chức hoặc tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại nước ngoài về hàng hóa, dịch vụ của mình không phải tuân thủ các quy định tại Điều này.

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Cần thêm thông tin quý khách vui lòng liên hệ +84 978 490 432 để được hỗ trợ nhanh nhất. Hoặc để lại thông tin đội ngũ BIFA sẽ liên hệ lại ngay!

Kiến thức liên quan

Những kiến thức cơ bản về nội thất dành cho người mới bắt đầu

Học thiết kế nội thất chưa bao giờ dễ dàng, đòi hỏi bạn phải có kỹ năng kết hợp nhiều yếu tố lại với nhau trong một căn phòng. Kiến thức về thiết kế nội thất khá sâu rộng và cần nhiều năm kinh nghiệm để tích lũy. Bài viết dưới đây giới thiệu đến bạn những kiến thức ... Read moreHội chợ, triển lãm thương mại là gì? Tổ chức hội chợ, triển lãm có cần phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền?
View more

Kiến Thức Cần Biết Về Gỗ Công Nghiệp Trước Khi Thiết Kế Nội Thất

Gỗ công nghiệp là loại vật liệu được sử dụng phổ biến trong trang trí, thiết kế nội thất ngày nay, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng … Các công trình sử dụng gỗ công nghiệp cũng cực đa dạng như nhà dân, biệt thự, nhà hàng, khách sạn …. ... Read moreHội chợ, triển lãm thương mại là gì? Tổ chức hội chợ, triển lãm có cần phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền?
View more